Cho trẻ xem tivi - Nên và không nên

Bị buộc tội là nguyên nhân khiến trẻ thu mình trong thế giới riêng (dẫn đến bệnh tự kỷ, béo phì...) nhưng tivi cũng có thể là cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài nếu bạn quan tâm đến 10 lời khuyên sau:

 

1. Độ tuổi

Không nên cho trẻ dưới 18 tháng tuổi xem tivi vì không hiểu buộc trẻ cố sức rất nhiều và điều đó không mang lại lợi ích nào. Ở độ tuổi này, điều bé cần là giao tiếp với người lớn. Nếu vừa bế con vừa xem tivi thì thời gian không quá 5 - 6 phút.

Từ 18 tháng - 3 tuổi, trẻ có khả năng giải mã các chương trình theo tư duy của mình, thu nhận các hình ảnh và cử động nhưng khả năng tập trung chưa cao, do vậy chỉ nên chọn những chương trình ngắn (kéo dài 10 - 30 phút).

Từ 3 tuổi, trẻ có thể theo dõi các chương trình hấp dẫn nhưng chưa phân biệt hoàn toàn giữa thực tế và trí tưởng tượng: trẻ tin vào những gì người ta chỉ cho thấy. Đó chính là lúc bạn cần ngồi xem tivi cùng bé để khi cần có thể nói cho bé rõ. Thời gian xem tối đa là 30 - 45 phút/ngày.

2. Thiết lập các giới hạn

Khi chương trình kết thúc, bạn cần tắt tivi luôn. Nguyên tắc vàng này sẽ giúp bạn tránh những xung đột tiếp theo và đó là giải pháp tốt nhất để bé không ngồi xem tiếp những hình ảnh không dành cho lứa tuổi của mình. Đó có thể là những cảnh bạo lực hay hành vi ứng xử mà bé không đủ khả năng để hiểu, và bắt chước làm theo.

Chúng ta vẫn thường dè chừng trước các tác động không tốt của những hình ảnh chiến tranh đối với trẻ mà quên rằng, có rất nhiều dạng bạo lực cần đề phòng, như một số cảnh đấm đá, bắn nhau trong phim hành động, trong đó chân lý chỉ thuộc về kẻ mạnh...

3. Lựa chọn các thời điểm nhất định trong ngày

Có rất nhiều kênh truyền hình bắt đầu từ rất sớm (5 - 6h sáng) nhưng cần tránh không cho trẻ xem tivi vì trẻ cần "bước ra" khỏi giấc ngủ, thức dậy nhẹ nhàng làm quen dần với thực tế, trò chuyện với mọi người trong gia đình.

Cũng không nên cho trẻ xem tivi buổi tối để tránh căng thẳng, hưng phấn trước khi đi ngủ. Nhiều chuyên gia tâm lý đưa ra kết luận, một câu chuyện được kể truyền cảm sẽ giúp trẻ chìm vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng nhất.

Thời điểm thích hợp nhất xem tivi là buổi chiều, đó là thời gian nghỉ ngơi sau các giờ học ở trường và chưa đến lúc đi tắm.

4. Kiểm tra nội dung chương trình

Rất nhiều phụ huynh bỏ qua điều này. Hãy dành chút thời gian bận rộn để xem một lần cùng con những chương trình chúng yêu thích, thẩm định liệu chương trình đó có phù hợp hay không (nội dung, cách thể hiện, sự liên kết, những giá trị giáo dục, các hình ảnh gây sợ hãi...).

Với lời khuyên này, bạn có thể yên tâm để trẻ xem chương trình một mình trong những lần tiếp theo, đồng thời bạn có thể tranh luận với con về các nhân vật khi cần thiết.

5. Dạy con chọn chương trình

Từ 4 - 5 tuổi, trẻ biết học cách chọn chương trình yêu thích nên cha mẹ cần dành thời gian xem tivi để nhận biết các chương trình khiến trẻ vui thích thực sự. Sau đó, đặt cho trẻ các câu hỏi về thời gian phát sóng và cách sắp xếp công việc hợp lý để có thể rảnh rỗi xem chương trình đó.

6. Xem cùng trẻ khi có thể

Điều đó giúp bạn có thể trò chuyện cùng con về những gì chúng nhìn thấy, giúp trẻ hiểu câu chuyện. Không ngại đưa ra quan điểm và khuyến khích trẻ làm tương tự: "Mẹ thấy chú gấu nhỏ không nên nói thế với các bạn. Con sẽ nói thế nào nhỉ nếu con là chú gấu đó?".

Không nên dùng tivi để áp đặt những mẫu hành vi ứng xử hay suy nghĩ lên trẻ mà hãy khích lệ trẻ bày tỏ những gì cảm nhận được (sợ hãi, tức giận), để từ đó trẻ xác định các tình cảm khác nhau và không chế nhạo các cảm xúc mà trẻ bộc lộ trước các tình huống diễn ra trên tivi.

7. Không đặt tivi trong phòng ngủ của bé

Bạn không thể kiểm soát thời gian và thời lượng xem của con cái nếu đặt tivi trong phòng ngủ của trẻ. Xem nhiều sẽ khiến bị trẻ mắc các rối loạn như thiếu ngủ, thiếu tập trung ở trường, thói quen ăn vặt dẫn tới béo phì...

8. Giúp trẻ phát triển tư duy phê bình

Khi xem tivi cùng trẻ, bạn có thể bày tỏ ý kiến của mình: "Chương trình này chán quá" hay "Câu chuyện buồn quá". Dù không đồng ý với bạn, nhưng những ý kiến đó cũng giúp trẻ giữ khoảng cách với những gì chúng nhìn thấy.

Hãy tận dụng tivi để cùng trẻ khám phá phim quảng cáo vì chúng giống như những bộ phim hoạt hình ngắn. Thật không dễ dàng phân biệt nhân vật trong quảng cáo với nhân vật trong phim hoạt hình nên cần nói cho trẻ biết rằng, quảng cáo là để bán hàng và không phải mọi thứ diễn ra trong đó có thể thực hiện ở ngoài đời.

9. Sử dụng đầu thu

Đó là đồng minh tốt nhất vì nó không chỉ giúp giải thoát các bó buộc về thời gian mà còn tránh phải chịu đựng các quảng cáo không phù hợp. Hơn thế nữa, thu lại chương trình là cách để bạn và con có thời gian cùng xem lại những hình ảnh mà ngay tại thời điểm phát sóng, trẻ chưa hiểu được ý nghĩa.

10. Hướng sang hoạt động khác

Không gì có thể thay thế mối quan hệ, các trao đổi giữa người với người. Cách tốt nhất để trẻ rời mắt khỏi màn ảnh chính là lời đề nghị tham gia vào những hoạt động khác như chơi thể thao (chơi đá bóng...), công việc đòi hỏi sử dụng tay (chuẩn bị món ăn, vẽ..) hay trí tuệ (đọc sách, đóng kịch...).

Các nghiên cứu cho thấy, nếu đề nghị trẻ lựa chọn giữa chơi với bạn, tham gia một hoạt động khác hay xem tivi thì tivi bao giờ cũng là lựa chọn cuối cùng.

Share :

Viết bình luận